Chuyên gia kinh tế nhận diện khó khăn 2018

"Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách" là chủ đề của hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 25/1.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế: Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Lưu Bích Hồ, Lê Đình Ân...

Họ đều là những diễn giả quen thuộc tại nhiều diễn đàn kinh tế, từ nhiều năm nay.

Điều hành hội thảo, Viện trưởng CIEM - chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung khá lạc quan về triển vọng của kinh tế năm nay với nhận xét "2018 khởi đầu rất là đẹp".

Nhưng, các vị chuyên gia khác thì còn nhiều băn khoăn, ngần ngại.

Nhìn lại năm 2017, chuyên gia Phạm Chi Lan đặt vấn đề thành tích xuất khẩu (tính chung cả năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê - PV) có thật hay không? số liệu xuất nhập khẩu chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 20 tỷ USD có được ghi nhận không?

Bà Lan cho rằng, nếu cộng cả 20 tỷ USD nhập siêu từ Trung Quốc thì còn đâu là xuất siêu nữa.

"Tôi rất sợ nhận định là đã xuất siêu rồi, không nên bỏ qua con số chênh lệch nhập siêu từ Trung Quốc mà lấy thành tích", bà Lan phát biểu.

Hơn nữa, theo bà, cho dù có nhập siêu đi nữa thì nhập khẩu vẫn là để phục vụ gia công,  xuất siêu vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp FDI nên đừng nên mừng rỡ quá mà nên đánh giá sòng phẳng hơn theo chiều sâu, không nên chạy theo thành tích "ảo".

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng đồng tình với nhận xét của ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM về những khó khăn, thách thức của 2018. Trong đó, nhiều FTA có thể khiến Việt Nam thành "bia đỡ đạn", nếu chỉ xuất khẩu hộ, theo tiêu chuẩn của đối tác.

Nhắc lại câu hỏi được ông Dương đặt ra: tăng trưởng hiện nay đã mang lại nhiều lợi ích cho người lao động Việt Nam hay chưa? bà Lan cho rằng cần có sự chia sẻ của Nhà nước và doanh nghiệp. Nếu cứ hơi khó một tí là đòi tăng thuế thì đó là Nhà nước đòi doanh nghiệp chia sẻ rủi ro với mình.

Số lượng doanh nghiệp giải thể vẫn lớn lắm, họ va đập thực tế rồi mà không chịu nổi nữa phải ra khỏi thị trường, điều đó mới đáng lo, bà Lan phân tích.

Cũng không mấy lạc quan, chuyên gia Lưu Bích Hồ nhận định Việt Nam chưa thể sớm "từ cô gái đẹp thành con hổ được", vì kinh tế phải vài năm nữa mới có thể ra khỏi vùng trũng.

Theo ông Lưu Bích Hồ, với 2018 thì thách thức lớn nhất vẫn là kỷ luật tài khoá, xử lý nợ xấu và quản lý nợ công cũng cần kiên quyết hơn.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng cần làm rõ nguyên nhân giải ngân đầu tư công và tốc độ cổ phần hoá chậm trong năm 2017. Chiến dịch chống tham nhũng và hàng loạt vụ án lớn được xét xử có đem lại tiến bộ trong kỷ cương không?.

Ông Doanh cho rằng trong xếp hạng của Tổ chức Minh bạch thế giới về chỉ số cảm nhận tham nhũng thì Việt Nam luôn đứng ở thứ hạng rất cao, phù hợp với đánh giá "trên nóng dưới lạnh". Doanh nghiệp cũng nói chi phí "bôi trơn" không giảm.

Đặc biệt, tái cơ cấu ngân sách dù đã có nghị quyết của Bộ Chính trị nhưng chi tiêu không minh bạch, không có trách nhiệm giải trình.

2018 rất có cơ hội nhưng cũng đầy thử thách vì phải cải cách những điều ít được cải cách, trong đó có trách nhiệm giải trình và giám sát quyền lực, ông Doanh khái quát.

Tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa tạo được yếu tố bền vững cho năm 2018, nhiều chính sách thiếu ổn định, khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- Xã hội Quốc gia nhận xét.

Theo ông Lê Đình Ân, quan trọng nhất trong năm 2018 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, một vấn đề đã được nhấn mạnh rất nhiều. Và để làm được điều đó, cần tích cực hơn trong tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, ổn định doanh nghiệp đi đôi với quản trị doanh nghiệp.

Nguồn: vneconomy.vn